Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Hòang kì ( 黄耆 )

- Tên và nguồn gốc -
+ Tên thuốc: Hòang kì (Xuất xứ: Bản kinh).
Tên khác: Đái tảm (戴糁), Đái châm (戴椹), Độc châm (独椹), Thục chi (蜀脂), Bách bổn (百本), Vương tôn (王孙), Miên hòang kì (绵黄耆), Tiễn kì (箭芪) v.v…
 Tên Trung văn: 黄耆 HUANGQI
+  Tên Anh Văn:  RADIX ASTRAGALI
 Tên La tinh:
①Hòang kỳ Astragalus membranaeus (Fisch.)Bge.②Nội Mông Hòang kỳ Astragalus mongholicus Bge ③Kim dực Hòang kỳ Astra-galus chrysopterusBge.④Hòang kỳ nhiều hoa Astragalus floridus Benth
 Nguồn gốc: Là rễ khô của Hòang kỳ hoặc Nội Mông Hòang kỳ, thực vật họ Đậu( Legume).

 - Phân bố -
Chủ yếu sản xuất ở các vùng Nội Mông Cổ, Sơn Tây, Hắc Long Giang v.v…của Trung Quốc.
- Thu hoạch -
Mùa thu đào, bỏ sạch đất, cắt bỏ đầu rễ và rễ nhánh, sau khi phơi khô phân riêng ra đóng thành bó hoặc phơi khô 6, 7 phần, buộc thành bó nhỏ, rồi  phơi khô nữa.
 
 - Bào chế -
- Hòang kì: Nhặt sạch tạp chất, bỏ đi đầu rễ hỏng và thứ rỗng ruột khá to, dùng nước ngâm, vớt ra, sau khi ngấm ướt kịp thời cắt phiến, phơi khô.
- Hòang kì chích mật: Lấy Hòang kì phiến, thêm mật ong luyện chín và chút ít nước sôi, trộn đều, đậy kín cho ngấm qua, để trong nồi dùng lửa nhỏ sao đến khi trở nên màu vàng, không dính tay là độ, lấy ra để nguội. (Cứ mỗi 100 cân Hòang kì phiến, dùng mật ong luyện chín 25 ~ 30 cân).
- Cương mục: Hòang kì, người thời nay đập giẹt, dùng nước mật bôi chích vài lần, lấy chín làm độ.
 
 - Tính vị -
- Trung dược học: Ngọt, hơi ấm.
- Bản kinh: Vị ngọt, hơi ấm.
- Y học khải nguyên: Khí ấm, vị ngọt, bình.
 
 - Qui kinh -
- Trung dược học: Vào kinh Tỳ, Phế.
- Thang dịch bản thảo: Vào kinh Thủ thiếu dương, Túc thái âm, Túc thiếu âm mệnh môn.
- Bản thảo mông thuyên: Vào Thủ thiếu dương, Thủ túc thái âm.
- Bản thảo kinh sơ: Kinh Thủ dương minh, Thái  âm.
- Bản cách tân biên: Vào kinh Thủ thái âm, Túc thái âm, Thủ thiếu âm.
 
- Công dụng và chủ trị -
- Dùng sống: Ích vệ cố biểu, lợi thủy tiêu sưng, thác độc, sinh cơ.
Trị tự ra mồ hôi, ra mồ hôi trộm, huyết tý, phù thũng, ung nhọt không vỡ hoặc lóet lâu ngày không thu liễm.
- Dùng chích: Bổ trung ích khí.
Trị nội thương nhọc mệt, Tỳ hư tiêu chảy, thóat giang, khí hư huyết thóat, băng đới cùng với các chứng khí suy huyết hư.
- Bản kinh: Chủ ung nhọt, bại sang lâu ngày, bày trừ mủ ngừng đau, bệnh chốc đầu đại phong, năm thứ trĩ, thử lậu. Bổ hư, trăm bệnh trẻ con.
- Biệt lục: Chủ phong tà khí ở tử tạng của đàn bà, trục ác huyết ở ngũ tạng. Bổ hư tổn ở đàn ông, ngũ lao gấy ốm. Ngừng khát, đau bụng, tiết lỵ, ích khí, lợi âm khí.
- Nhật hoa tử bản thảo: Hòang kì trợ khí tráng gân xương, trường nhục bổ huyết, phá trưng ghẻ lở, trị tràng nhạc, anh chuế (bướu cổ), trường phong, huyết băng, đới hạ, xích bạch lỵ, tất cả các bệnh sản tiền hậu, tháng không đều, tiêu khát, ho đàm; và trị đầu phong, nhiệt độc, mắt đỏ v.v…
- Vương Hảo Cổ; Chủ sốt rét Thái âm.
- Bản thảo bị yếu: Dùng sống cố biểu, không mồ hôi có thể phát, có mồ hôi có thể cầm, ấm phần thịt, thực tấu lý, tả âm hỏa, giải cơ nhiệt; Dùng chích bổ trung, ích nguyên khí, ấm tam tiêu, tráng Tỳ Vị. Sanh huyết, sanh cơ, bài nùng nội thác, thánh dược ung nhọt. Chứng đậu không xuất, dương hư không nhiệt nên dùng vậy.
 
- Dùng thuốc phân biệt -
Ba vị Nhân sâm, Đảng sâm, Hòang kì đều có công hiệu bổ khí và bổ khí sanh tân, bổ khí sanh huyết,thường dùng tương tu, có thể hỗ trợ nhau tăng cường hiệu quả điều trị. Nhưng tác dụng của Nhân sâm khá mạnh, được khen là yếu dược số 1 bổ khí, và có công ích khí cứu thóat, an thần tăng chí, bổ khí trợ dương. Lực bổ khí của Đảng sâm khá bình hòa, chuyên về bổ ích khí của Tỳ Phế, kiêm năng bổ huyết. Lực bổ ích nguyên của Hùynh kì không bằng Nhân sâm, nhưng giỏi về bổ khí thăng dương, ích vệ cố biểu, thác sang sinh cơ, lợi thủy thối thũng, nhất là chứng Tỳ hư khí hãm, biểu hư tự ra mồ hôi v.v…
 
- Tham khảo -
Hòang kì với Nhân sâm cùng dùng, lực bổ khí càng mạnh; Với Phụ tử cùng dùng có thể bổ khí trợ dương; Với Bạch truật cùng dùng có thể bổ khí kiện Tỳ; Với Đương qui cùng dùng có thể bổ khí sanh huyết; Với thuốc bổ khí thăng dương cùng dùng, như Đảng sâm, Thăng ma có thể ích khí thăng dương; Với thuốc lợi thủy cùng dùng, như Phục linh, Bạch truật có thể bổ khí lợi thủy (Trung y phương dược học).
 
- Liều dùng và cách dùng -
Sắc uống, 9 ~ 30g. Bổn phẩm có dùng sống, có dùng chích mật.
Thường dùng vào bổ ích khí huyết nên dùng chích, cồ biểu thác nùng sinh cơ nên dùng sống.
 
 - Kiêng kỵ -
- Trung y phương dược học: Phàm âm hư hỏa vượng, chứng thực tà nhiệt đều không nên dùng.
- Bản thảo kinh tập chú: Ghét Qui giáp.
- Nhật hoa tử bản thảo: Ghét Bạch tiên bì.
- Dược đối: Phục linh làm sứ của nó vậy.
- Y học nhập môn: Người khí thịnh đen xanh cấm dùng, người biểu tà vượng cũng không được dùng, người âm hư cũng nên dùng ít. Sợ Phòng phong.
- Bản thảo kinh sơ: Người khó thở hung cách, trường vị có tích trệ chớ dùng; Người dương thịnh âm hư kỵ vậy; Người thượng tiêu nhiệt nặng, hạ tiêu hư hàn kỵ vậy; Bện nhân giận nhiều, Can khí không hòa chớ uống; Mụn đậu huyết phận nhiệt nặng kỵ vậy.
 
- Nghiên cứu hiện đại -
1. Thành phần hóa học: 
 - Bổn phẩm chủ yếu hàm chứa glycoside, polysaccharide, flavonoids, amino acids, nguyên tố vi lượng v.v…(Trung dược học).
 - Hòang kì hàm chứa sucrose, glucuronic acid, chất dịch dính, một số lọai amino acid, chất đắng, sinkaline, lycine, folic acid (FA) (65 microgram /100g rễ khô),còn phân ly ra2′,4′-dihydroxy -5,6-dimethoxyisoflavane và Kumatakenin。Trong sản phẩm xà phòng hóa của chất mở Nội Mông Hòang kì phân ra linoleic acid, linolenic acid;Trong thành phần phi xà phòng hóa có β-sitosterol (Trung dược đại từ điển).
2. Tác dụng dược lý:
- Hòang kỳ có thể xúc tiến chuyển hóa cơ thể, chống mệt mỏi, xúc tiến đổi mới huyết thanh và protein tạng gan; Có tác dụng lợi niệu rõ rệt, có thể tiêu trừ chứng tiểu protein viêm thận thực nghiệm; có thể cải thiện hiện tượng động vật thiếu máu; Có thể thăng cao đường huyết thấp, giáng thấp máu cao; Có thể hưng phấn hô hấp; Có thể tăng cường và điều tiết công năng miễn dịch của cơ thể, có tác dụng xúc tiến hệ thống interferon, có thể đề cao sức đề kháng của cơ thể; có tác dụng ức chế độ nhẹ đối với nhiều lọai vi rút gây ra bệnh biến tế bào như vi rút cúm v.v…, có tác dụng bảo hộ đối với chuột con nhiễm vi rút cúm; có tác dụng kháng khuẩn khá rộng, Hòang kì ở trong nuôi cấy tế bào, có thể làm cho số tế bào tăng nhiều rõ rệt, tế bào tăng trưởng mạnh, tuổi thọ dài; Có thể tăng cường lực co bóp cơ tim, bảo hộ hệ thống mạch máu tim, chống lọan nhịp tim, giãn mạch máu ngọai vi và động mạch vành, giáng thấp huyết áp, có thể giáng thấp lực dính của tiểu cầu, giảm bớt hình thành huyết khối, còn có tác dụng giáng mỡ máu, chống suy lão, chống thiếu ô xy, bảo hộ gan (Trung dược học).
- Có tác dụng cường tim, có thể tăng cường co bóp của tạng tim bình thường, tác dụng của nó rõ rệt nhất đối với tạng tim trúng độc và mệt nhọc; Có tác dụng lợi niệu độ vừa và giáng áp, có thể giãn đầu mút mạch máu tòan thân và mạch vành, do đó làm cho huyết áp hạ thấp, nhưng trên lâm sàng làm thuốc lợi niệu, giáng áp, rất ít sử dụng riêng mình nó, cần phối hợp với thuốc tương ứng, dùng trị thũy thũng thuộc hư và cao huyết áp thuộc hư, có hiệu quả nhất định; Có tác dụng cầm mồ hôi, có thể bài tiết lỗ chân lông bế tắc, ức chế phát hãn quá nhiều; Có tác dụng lọai kích thích tố sinh dục. (Trung y phương dược học).
- Theo thí nghiệm kháng khuẩn, bổn phẩm có tác dụng ức chế đối với nhiều loại vi khuẩn như  trực khuẩn lỵ, trực khuẩn bệnh nhiệt thán, khuẩn liên cầu tan máu, trực khuẩn bạch hầu, khuẩn song cầu viêm phổi, khuẩn cầu chùm sắc vàng kim v.v…(Trung y phương dược học).
3. Nghiên cứu lâm sàng: Có báo cáo bổn phẩm phối hợp Đảng sâm điều trị tiểu protein viêm thận mạn tính và bệnh tiểu đường có hiệu quả (Trung y phương dược học).

 
 - Bài thuốc cổ kim tham khảo -
+ Phương 1:Trị tự ra mồ hôi: Phòng phong, Hùynh kỳ đều 1 lượng, Bạch truật 2 lượng. Thuốc trên nghiền nhỏ, mỗi lần uống 3 chỉ, nước 1 chén rưỡi, gừng 3 lát sắc uống.
(Đơn khê tâm pháp – Ngọc bình phong tán)
+ Phương 2:
Trị phong thấp mạch phù, mình nặng, ra mồ hôi sợ gió: Phòng kỷ 1 lượng, Cam thảo nửa lượng (sao), Bạch truật 7 chỉ rưỡi, Hòang kì 1 lượng 1 phân (Bỏ mầm). Thuốc trên nghiền nhỏ như hạt đậu mè, mỗi lần múc thìa 5 chỉ, gừng tươi 4 lát, Đại táo 1 trái, nước 1 chén rưỡi, sắc 8 phân, bỏ bã uống ấm, rất lâu lại uống.
(Kim qủy yếu lược – Phòng kỷ Hòang kỳ thang)
+ Phương 3:
Trị ung nhọt các chứng độc mủ bên trong đã thành, không xuyên vỡ: Hòang kì 4 chỉ, Sơn giáp (nghiền bôt 1 chỉ, Tạo giác châm 1,5 chỉ, Đương qui 2 chỉ, Xuyên khung 3 chỉ. Nước 2 chén, sắc 1 chén rưỡi, trước sau tùy bệnh, lúc đi ngủ cho vào rượu 1 ly cũng được.
(Ngọai khoa chính tông – Thấu nùng tán).
+ Phương 4:
Trị thạch thư màu da không thay đổi. lâu ngày không làm mủ: Hòang kỳ chích 2 lượng, Đại phụ tử (Bỏ núm vỏ, ngâm tẩm nước gừng, cắt phiến, lửa nướng chích, dùng nước gừng dưới mức 1 chén là độ) 7 chỉ, Thỏ ty tử (tẩm rượu, hấp), Đại hồi hương sao đều 1 lượng. Tất cả nghiền bột, rượu đánh hồ làm hòan. Mỗi lần uống  chỉ, mỗi ngày uống 2 lần, bụng đói, trước bửa ăn rượu vàng tống uống.
(Ngọai khoa đại thành – Hòang cao hòan).
+ Phương 5:
Trị ung nhọt phát bối, ung nhọt ruột, ung nhọt vú, vô danh sưng độc, mưng đỏ làm đau nhức, ghét lạnh sốt cao, tương tự như thương hàn, không hỏi người già trẻ hư yếu: Nhẫn đông thảo (Bỏ cành), Hòang kì (bỏ mầm) đều 5 lượng, Đương qui 1 lượng 2 chỉ, Cam thảo (chích) 1 lượng. Thuốc trên nghiền nhỏ, mỗi lần uống 2 chỉ, rượu 1 chén rưỡi, sắc đến 1 chén, nếu bệnh phần trên, uống sau bửa ăn, bệnh ở dưới, uống trước bửa ăn, tí nữa lại uống lần thứ 2, lưu lại bã đắp ngòai, chưa thành mủ tiêu bên trong, đã thành mủ tức vỡ.
(Cục phương – Thần hiệu thác lý tán).
+ Phương 6:
Trị ung nhọt sau khi mủ đã tiết ra, vỡ lóet không thể thu miệng: Hòang kỳ 3 chỉ, Nhân sâm 3 chỉ, Cam thảo 2 chỉ, Ngũ vị 1 chỉ, Sinh khương 3 chỉ, Phục linh 3 chỉ, Mẫu lệ 3 chỉ. Sắc nước nửa chung lớn, uống ấm.
(Tứ thánh tâm nguyên – Hòang kỳ Nhân sâm Mẫu lệ thang)
+ Phương 7:
Trị các chứng hư bất túc, tay chân cơ thể mỏi mệt, trong ngực phiền tim hồi hộp, thường tiêu khát, miệng môi khô táo, sắc mặt héo vàng, không thể ăn uống, hoặc trước khát mà muốn phát nhọt ghẻ, hoặc bệnh ung nhọt sau đó khát: Hòang kì 6 lượng (bỏ mầm, mật thoa nướng), Cam thảo 1 lượng (nướng). Thuốc trên cắt nhỏ, mỗi ngày 2 chỉ, nước 1 chén, táo 1 trái, sắc 7 phân, bỏ bã uống ấm, bất cứ lúc nào.
(Cục phương – Hòang kì Lục nhất thang).
+ Phương 8:
Trị da nóng táo nhiệt, khát uống, mắt đỏ mặt đỏ, mạch hồng đại mà hư, ấn nặng hòan tòan vô lực, chứng giống Bạch hổ, chỉ có mạch không trường, uống nhầm Bạch hổ thang ắt chết, bệnh này mắc là do quá đói lại lao nhọc: Hòang kỳ 1 lượng, Đương qui (rửa rượu) 2 chỉ. Thuốc trên cắt nhỏ, làm uống 1 lần, nước 2 chén, sắc đến 1 chén, bỏ bã uống ấm, bụng đói uống trước bửa ăn.
(Nội ngọai thương biện – Đương qui bổ huyết thang).
+ Phương 9:
Trị trường phong ỉa máu: Hòang kì, Hòang liên lượng bằng nhau. Thuốc trên nghiền bột, hồ bột hòan, lớn như hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 30 hòan, nước cơm uống.
(Tôn Dụng Hòa)
+ Phương 10:
Trị tiểu máu sa lâm, đau không chịu được: Hòang kì, Nhân sâm lượng bằng nhau, nghiền bột, dùng củ cải lớn 1 cái, cắt dày như ngón tay 4, 5 lát, mật 2 lượng, ngâm nướng cho hết, không cho cháy, chấm bột, không kễ lúc nào, dùng nước muối uống.
(Vĩnh lọai kiềm phương).
+ Phương 11:
Trị bạch trọc: Hòang kì muối sao nửa lượng, Phục linh 1 lượng. Thuốc trên nghiền bột, mỗi lần uống 1, 2 chỉ, bụng đói nước sôi trắng tồng uống.
(Kinh nghiệm lương phương – Hòang kì tán)
+ Phương 12:
Trị tửu đản, tâm đau, cẳng chân đầy, tiểu tiện vàng, uống rượu phát đen vàng ban đỏ, do quá say gặp gió, nước nhập gây ra: Hòang kì 2 lượng, Mộc lan 1 lượng. Nghiền bột vậy, rượu uống thìa 1 tấc vuông, ngày 3 lần.
(Bổ khuyết trửu hậu phương).
+ Phương 13:
Trị người già đại tiện bí rít: Miên Hòang kì, Trần bì ( bỏ xơ trắng) đều nửa lượng. Thuốc trên nghiền nhỏ, mỗi lần uống 3 chỉ, dùng Đại ma nhân (hạt mè lớn) 1 hợp nghiền nát, lấy nứơc đặc 1 chén, lọc bỏ bã, cho vào đồ đựng bạc, đá sắc, lúc có sữa nỗi lên, thì gia thêm mật ong 1 thìa lớn, lại sắc cho sôi, hòa thuốc bột, bụng đói uống trước bửa ăn.
(Cục phương – Hòang kì thang)
+ Phương 14:
Trị đốt tay chân rụng thóat, nhưng có liền da, không được cử động, bèn gân rời ra vậy: Hòang kì 3 lượng, rượu tẩm 1 đêm, nướng nghiền, rượu uống 2 chỉ, đến khỏi thì ngừng.
(Đắc phối bản thảo).
+ Phương 15:
Trị khí hư thai động, đau bụng ra nước: Gạo nếp 1 hợp, Hòang kì, Xuyên khung đều 1 lượng. sắc nước uống, phân 3 lần uống.
(Phụ nhân lương phương – Hòang kì thang).
+ Phương 16:
Trị đỉnh đậu vùi lấp vào trong da mỏng mà mềm: Chích Hòang kì 3 chỉ, Nhân sâm 1,5 chỉ, Chích cam thảo 7 chỉ, Xuyên khung 1 chỉ, Nhục quế 1 chỉ, Bạch truật 1 chỉ. Gia vào trái táo cùng sắc, khí không hành gia Mộc hương.
(Chủng đậu tân thư – Bảo nguyên thang).
+ Phương 17:
Trị trẻ con tiểu tiện không thông: Miên Hòang kì nghiền bột, mỗi lần uống 1 chỉ, nước 1 chén, sắc đến 5 phân, uống ấm bất kễ lúc nào.
(Tiểu nhi vệ sinh tổng vi luận phương).
+ Phương 18:
Trị trẻ con dinh vệ bất hòa, da thịt gấy mòn, cốt chưng khát nhiều, không muốn ăn uống, bụng đầy tiêu chảy, khí hư kém sức: Hòang kì nướng, Nhân sâm, Đương qui, Xích thược dược, Trầm hương đều 1 lượng, Mộc hương, Quế tâm đều nửa lượng. thuốc trên cắt nhỏ, mỗi lần uống 1chỉ, gừng tươi 2 lát, táo nửa trái, nước nửa chén, sắc đến 3 phân, bỏ bã uống ấm.
(Phổ tế phương – Hòang kỳ tán)
+ Phương 19:
Trị thóat giang: Sinh hòang kì 4 lượng, Phòng phong 3 chỉ. Sắc nước uống.
(Nội Mông Cổ - Trung thảo dược tân y liệu pháp tư liệu tinh tuyển).
+ Phương 20:
Hòang kì 50g, sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang, điều trị viêm mũi dị ứng, viêm mũi mạn tính và phòng ngừa trẻ con cảm nhiễm đường hô hấp trên v.v…hiệu quả khá tốt.

+ Phương 21:
Mỗi ngày uống dịch chiết Hòang kì 2ml (hàm chứa 2g thuốc sống), phòng ngừa trẻ con cảm nhiễm đường hô hấp trên 100 ca, có hiệu suất 94 %.
(Cáp Nhĩ Tân y khoa đại học học báo, 1993, 5: 66)
+ Phương 22:
Liều lớn Hòang kì điều trị Luput ban đỏ hệ thống: Tổng cộng điều trị 17 ca. liều Hòang kì mỗi ngày là 30, 60 hoặc 90g sắc uống, liệu trình 2 ~ 12 tháng, đều thu được hiệu quả, trong đó hiệu quả rõ 6 ca, hữu hiệu 11 ca. Đại đa số bệnh nhân lâm sàng biểu hiện chuyển biến tốt hoặc tiêu giảm và cùng nhất chí tăng cường công năng miễn dịch tế bào, hiệu suất hình thành vòng hoa vốn giảm thấp tăng cao. Bộ phận ca bệnh nặng, độ vừa hoặc bệnh nhân có tổn thương tạng thận, vốn đã trong tiếp nhận liều nhỏ cocticoit vô hiệu, sau khi dùng thêm Hòang kỳ tình trạng cải thiện rõ, và giảm bớt liều dùng kích thích tố.
(Lâm sàng y học tạp chí  1 (2) : 34 – 36, 1985)
+ Phương 23: Ung thư mũi cổ họng dùng Huỳnh kỳ kháng nham thang.
Tiên Huỳnh kỳ, Bạch hoa xà thiệt thảo mỗi vị 100g, Hoàng liên 20g, Bán chi liên 50g, mỗi ngày 01 thang, sắc uống.

+ Phương 24 :   - Thành phần: Đảng sâm 20~30g; Hoàng kỳ, Đan sâm, Ngũ vị tử, Câu kỉ tử, Phục linh mỗi vị 15g, Cam thảo 6g, Xuyên khung 10g, Đương qui 10~15g. 
- Gia giảm: Nếu người vùng gan đau nhức, gia thêm Huyền hồ sách, Viễn chí mỗi vị 10~15g, nếu người bị bụng nước gia Trư linh 20g, Trạch tả 15g.
- Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang, phân 2 lần uống, mỗi tuần uống liên tục 5 thang, ngừng 2 ngày. 8 tuần là 1 liệu trình.
- Chứng thích ứng: Viêm gan B mạn tính.
- Hiệu quả điều trị: Dùng thuốc trên điều trị bệnh nhân viêm gan B mạn tính 71 ca, trong đó cơ bản trị khỏi 41 ca, hiệu quả rõ 14 ca, hữu hiệu 10 ca, vô hiệu 6 ca. So sánh với nhóm đối chiếu Tây dược có khác biệt rõ rệt (P< 0,5). Hiệu quả trị liệu tốt hơn đối với nhóm đối chiếu Tây dược.


+ Phương 25:- Thành phần: Hoàng kỳ 100g, Kim ngân hoa 50g, Bồ công anh 30g, Đương qui 25g, Sanh cam thảo 15g.
- Cách dùng: Đem thuốc trên sắc nước 3 lần, hợp các dịch thuốc lại độ 1000ml, phân 3 ~4 lần uống, mỗi ngày 1 thang.
- Hiệu quả điều trị: Dùng phương này điệu trị bệnh nhân bị nhọt sưng 121 ca, uống 5 ~10 thang, đều trị khỏi.


(Còn bổ sung và cập nhật tiếp)
Biên sọan và dịch thuật Lương Y Trần Hòang Bảo 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét